Thực tế cho thấy, trẻ nhỏ có thể cùng lúc tiếp thu nhiều hơn một ngoại ngữ là việc rất tự nhiên, bản năng, thoải mái và dễ dàng hơn chúng ta vẫn tưởng rất nhiều. Theo các nhà nghiên cứu, ở giai đoạn này, trẻ có những đặc điểm ưu việt, trở thành lợi thế trong việc làm quen và học ngoại ngữ mà ở người trưởng thành không có được. Đó chính là: Khả năng nghe, bắt chước và Khả năng ghi nhớ rất tốt. Não bộ của trẻ phát triển nhanh nhạy về nhiều mặt: óc quan sát, tiếp thu, tò mò, trí tưởng tượng, ghi nhớ, phản xạ….
Vì sao nên trẻ làm quen với tiếng Anh trong độ tuổi mầm non?
Việc một đứa trẻ 2 - 5 tuổi được tiếp xúc với ngoại ngữ từ sớm sẽ giúp trẻ được tiếp thu tự nhiên, nghe nói chuẩn, phát triển khả năng ngôn ngữ và tư duy não bộ tốt hơn. Điều này cũng được khoa học chứng minh mang lại nhiều lợi ích về kỹ năng lẫn tư duy của trẻ, giúp trẻ tập trung chú ý tốt hơn trong khi học so với trẻ chỉ biết tiếng mẹ đẻ.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu trẻ được học tiếng Anh ngay từ những năm đầu đời sẽ trở nên tự tin hơn, thông minh hơn và sử dụng tiếng Anh một cách lưu loát tự nhiên hơn so với học tiếng Anh khi ở độ tuổi đã trưởng thành. Đó là vì đây là “giai đoạn vàng” trẻ có khả năng bắt chước và học hỏi rất nhanh, khả năng ghi nhớ chiếm đến 90% trong suốt cuộc đời; cũng như có thể thẩm thấu và phát âm một cách chuẩn xác như người bản ngữ.
Thực tế trong thời đại hội nhập ngày nay, giỏi tiếng Anh đã không còn là lợi thế cạnh tranh mà đã trở thành một yêu cầu căn bản. Việc ngay khi còn nhỏ, trẻ được học tiếng Anh trong môi trường song ngữ thì trẻ hoàn toàn có khả năng thụ đắc và sử dụng tốt cả hai ngôn ngữ, sẽ là nền tảng lợi thế cho tương lai.
Phương pháp để trẻ làm quen với tiếng Anh trong giai đoạn mầm non phù hợp và hiệu quả
Việc ép trẻ trong độ tuổi mầm non phải học thêm một ngoại ngữ là hoàn toàn không hợp lý, vì đây là độ tuổi trẻ cần chơi và được chơi. Vậy thay vì việc ép trẻ phải học chúng ta nên cho/ khuyến khích trẻ chơi nhưng là chơi có định hướng, chơi có mục đích. Và chúng ta biết kỹ năng ngôn ngữ có điều kiện phát triển tốt nhất thông qua việc ứng dụng thường xuyên trong các hoạt động giao tiếp và vui chơi hàng ngày của trẻ.
Trong đa số các phương pháp được đưa ra, thì sách là một trong những công cụ/ phương tiện phù hợp đem lại hiệu quả cao hơn cả, đặc biệt là các sách song ngữ.
Tầm quan trọng của việc cho trẻ tiếp cận với sách song ngữ
Đối với trẻ giai đoạn mầm non, trẻ rất nhạy cảm với ngôn từ, âm điệu, hình tượng của các bài hát, bài thơ; những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn rất hấp dẫn đối với trẻ. Chính vì vậy cho trẻ tiếp xúc với những bộ sách được biên soạn song ngữ và đặc biệt là hoạt động dạy trẻ kể chuyện song ngữ sẽ là con đường phát triển ngôn ngữ cho trẻ tốt nhất.
Sẽ rất hiệu quả nếu cha mẹ/ thầy cô cầm một cuốn sách có tranh ảnh bắt mắt, nội dung thú vị hay những nhân vật quen thuộc đáng yêu để đọc cho bé nghe một từ mới hay những câu đơn đơn giản dưới dạng song ngữ Việt - Anh. Thật không có gì thu hút bé tập trung hơn khi bạn đọc cho bé nghe các câu chuyện cổ tích gần gũi, câu chuyện về những danh nhân ngày ngày bé thấy cô nhắc bà kể… dưới dạng song ngữ thì bé sẽ nhớ rất nhanh. Cho dù không biết chữ nhưng bé có thể ghi nhớ từng từ thông qua các hình ảnh minh họa trong cuốn truyện ấy.
Nên kết hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường cùng tương tác với bé; Cùng là những kĩ năng được cô chỉ dạy trên lớp về nhà cha mẹ cũng nên củng cố lại cho con bằng cách chơi cùng cùng qua những bộ sách kĩ năng song ngữ Việt - Anh, việc làm này vừa dễ thu hút trẻ (vì đã được học ở lớp) vừa thỏa mãn tính tò mò của trẻ (vì được tiếp cận theo cách mới); Và chính quá trình này sẽ đem lại hiệu quả rất cao trong quá trình trẻ làm quen với tiếng Anh và ghi nhớ hơn các kĩ năng cần thiết.